VẾT TÍCH CỦA SỰ SỬA PHẠT

Khấu Chuẩn làm tể tướng đời nhà Tống, thuở nhỏ tánh du đãng, không lễ phép, lại thích chơi chim, chơi chó. Mẹ ông vốn người nghiêm khắc, thấy con như thế, quở phạt luôn mà ông vẫn không chừa. Một hôm ông bỏ học đi chơi, mẹ ông giận lắm, khi về, bà cầm quả cân ném vào chân ông, máu chảy đầm đìa… Ông đau lắm, ít lâu mới khỏi. Từ đấy, Khấu Chuẩn không dám lêu lổng phóng túng nữa, chỉ chuyên cần học tập. Về sau, thi đỗ làm quan đến chức Tể tướng.
Lúc ông vinh quy, tiếc rằng người mẹ đức độ kia đã tạ thế. Mỗi khi rờ đến vết sẹo ở chân, ông lại xúc động, nhớ mẹ, khóc và nói: "Mẹ ơi! Chính vết thương này đã giúp con nên người đây!"
Thuở nhỏ ai trong chúng ta cũng đã có lúc bị cha mẹ rầy la, hoặc bị đánh đòn, có khi là một hình phạt nào đó vì những lỗi lầm. Ngay lúc ấy chúng ta cảm thấy oan ức, oán giận cha mẹ, cảm thấy mất tự do, bị sỉ nhục… Nhưng, như Khấu Chuẩn, kinh nghiệm khiến ông hiểu giá trị của sự sửa phạt. Đức Chúa Trời cũng đối xử với những kẻ thuộc về Ngài đồng một cách như thế. Nếu không có sự sửa trị, dân Y-sơ-ra-ên không được rèn tập những bản tánh quí báu để trở nên tuyển dân của Ngài. Ngày nay, có thể ta kinh ngạc và hồ nghi tình yêu của Ngài khi những sự sửa phạt của Chúa dường như khắc nghiệt hơn ta tưởng, nhưng khi những năm tháng cuộc đời chồng chất, khi có dịp nhìn lại từng quãng đời đã qua, chúng ta trân trọng những dấu tích sửa phạt ấy với lòng biết ơn Ngài vô hạn. Cuộc sống là một trường huấn luyện, mà ở đó Đức Chúa Trời xếp đặt sự sửa trị là một môn học chính. Tác giả thơ Hê bơ rơ đã kinh nghiệm khi nói rằng: "Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy." Hê-bơ-rơ 12:11

“Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.” (Hê-bơ-rơ 12:6)

Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét